Bức xúc chuyện nghề – Phần 3: Anh em developer chúng ta phải làm gì?

Từ bài đầu tiên tới giờ, mình chỉ toàn chê bai bai xã hội và biện minh cho dân IT. Mình có nói “dân Việt Nam mình chỉ giỏi chửi, giỏi chê, chứ không biết cách làm gì để thay đổi”.

Tất nhiên mình thì không như vậy rồi! Bản thân mình viết blog cũng là để định hướng cho các em sinh viên, giúp ngành ngày một tốt hơn.

Chửi không thì cũng kì, mình cũng xin góp vài ý mọn vào việc làm sao thay đổi thực trạng của ngành, nâng cao vị thế của lập trình viên. Các bạn đọc xong, có muốn góp ý chi thêm thì cứ thoải mái còm men nhé!

Bài viết gồm 3 phần:

Phát triển văn hoá chia sẻ và thảo luận

Lập trình viên giỏi ở Việt Nam cũng nhiều, nhưng họ ra nước ngoài làm, hoặc làm một hồi thì leo lên các vị trí quản lý mất tiêu rồi, toàn chém gió cách quản lý chứ có gì nhớ gì về technical đâu mà chia sẻ? Thêm nữa, trong các dự án outsource phần lớn vấn đề nằm ở requirement và qui trình, không phải nằm ở technical như startup.

Tính ra, số sách viết về ngành nghề, kinh nghiệm lập trình ở Việt Nam cũng không nhiều. Trên tiki chỉ thấy có vài cuốn kiểu “Đừng tin, chém gió đấy” hoặc”Code dạo Kí sự” (Blog tui viết, tui quảng cáo sách tui kệ tui, ok).  Cũng có thể do dân dev ít nói, không thích diễn đạt nên ngại không chia sẻ chăng?

Ở nước ngoài, lập trình viên giỏi và trâu tập trung nhiều ở reddit, quora, medium, chia sẻ với newbie và thảo luận. Dân Developer Việt Nam cũng rất chịu khó chia sẻ, không hề có tư tưởng bo bo giấu nghề. Thế nhưng, chúng ta lại không có nơi để thảo luận.

Developer nước ngoài có nơi thảo luận, chém gió! Ở Việt Nam thì chưa thấy

Muốn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức công nghệ thì đi đâu? Chắc chỉ có tự viết blog hoặc lên webtretho, lên vozforum.

Tuy vậy, về mặt này, trong ngành mình cũng có một số điểm sáng: Một số cty mới như tiki, thegioididong rất chịu khó chia sẻ về thiết kế hệ thống, qui trình làm việc. Các cộng đồng lập trình (kipalog, daynhauhoc) cũng còn khá nhỏ.

Vì vậy, mình khuyên các bạn nên viết blog và đi thuyết trình đi. Đừng nghĩ rằng mình làm nó vì người khác, hãy nghĩ rằng mình làm nó cho chính mình! Nó cũng sẽ giúp bạn diễn đạt tốt hơn, tự tin hơn, xây dựng thương hiệu cá nhân nữa!

Kì trước về Việt Nam, mình có 3 buổi thuyết trình trong vòng 2 tuần, mỗi buổi gần 5-80 khán giả. Nếu không có blog, chắc mình cũng không đủ tự tin để chém gió thế đâu.

Kinh nghiệm viết blog giúp mình tự tin “chém gió” trước đám đông

Nâng giá và làm giá thôi các bạn trẻ!

Hãy nhớ qui luật cung cầu của thị trường. Thị trường ngành IT đang hot, cầu vượt cung, nên chúng ta có quyền làm giá, đòi mức lương xứng đáng. Đừng xin việc, mà hãy tìm việc!

Lúc phỏng vấn, không chỉ công ty lựa chọn bạn, mà bạn cũng đang tìm hiểu, lựa chọn công ty phù hợp. Hãy tìm hiểu kĩ mức lương cho vị trí đó, đừng để bị trả hớ hay bị ép giá.

Hãy nhớ, chúng ta đang may mắn khi thị trường đứng về phía mình. Việc nhiều dev ít, mất việc chỗ này thì tìm việc chỗ khác. Biết đâu 10 năm nữa, lập trình viên đầy đường, việc ít người nhiều, chúng ta lúc đó sẽ bị ép giá lại thì sao (việc này chắc là khó xảy ra, vì đào tạo không đủ).

Đang có giá thì tranh thủ ép giá đi, sau này nhu cầu giảm thì ra đường ăn mày nhé!

Tất nhiên, để có thể ép giá, làm giá thì bản thân bạn phải … có giá. Không có khả năng thì đừng mở mồm đòi lương khủng! Mới ra trường thì ráng đi thực tập 6 tháng -1 năm để có kinh nghiệm đã! Ngoài ra, phải chịu khó trau đồi kĩ năng cứng, kĩ năng mềm, học tập thêm, đọc blog IT, đọc sách công nghệlàm pet project nhiều vào!

Lập trình viên trên thị trường cũng đông đấy, nhưng thượng vàng hạ cám đủ cả! Nếu bạn giỏi công nghệ, kĩ năng cứng bạn tốt, biết cách giao tiếp làm việc nhóm, còn có khả năng tự học, dĩ nhiên bạn sẽ là ứng cử viên sáng giá, tha hồ mà .. hét giá nhé!

Tại sao mình lại khuyên điều này? Chúng ta nâng giá để các công ty không coi chúng ta là lũ code thuê rẻ mạt, sau này các em sinh viên ra trường mới có cớ để đòi lương cao. Bên cạnh đó, chúng ta phải trau dồi bản thân để đem lại lợi ích cao hơn cho công ty, có vậy họ mới bạn thấy xứng đáng với mức lương họ bỏ ra chứ, phải không nào?

Có khả năng thì nên ráng ra nước ngoài code, đừng để người khác xem chúng ta là lũ code thuê rẻ mạt

Mua sách, đọc sách, chia sẻ sách

Cũng không phải quảng cáo hay gì đâu, nhưng các bạn nên mua sách Code Dạo Ký Sự của mình về đọc! Nhuận bút của mình được tính theo sách xuất bản mỗi lần, nên các bạn mua nhiều hay ít mình cũng chẳng được thêm đồng nào đâu.

Tuy nhiên, nếu sách bán về ngành IT bán được, sẽ có nhiều nhà sách xuất bản sách IT hơn.Sách bán được nhiều thì giá sẻ giảm, bạn đọc dễ tiếp cận, sẽ có nhiều tác giả viết sách hơn, chúng ta sẽ có nhiều sách hay mà đọc.

Tin vui này, sắp tới sẽ có 2 cuốn sách mang tên Lập Trình và Cuộc Sống bên blog vinacode, cũng như Clean Code bản tiếng Việt sẽ được xuất bản đấy! Các bạn nhớ đón xem và để dành tiền mua nhé.

Quảng cáo sách Code Dạo Kí Sự lần thứ n

Chuyện nhân nghĩa lễ trí tín, thông nhau mà sướng!

Nói chung, từ đầu đến giờ, mình than thở cũng chỉ là để… giải trình. Để ngành IT tốt lên thì chúng ta phải thay đổi. Những thay đổi phải bắt đầu từ bản thân lập trình viên chúng ta trước, rồi mới lan dần ra cộng đồng được.

Mỗi người góp một ít, thương nhau thêm một tí, thông nhau mà sướng, nhầm, thương nhau mà sống. Mấy chuyện này chung qui cũng xoay quanh “nhân nghĩa lễ trí tín” của các cụ ngày xưa:

  • Các bác senior đừng giấu nghề, giấu việc, thương đàn em một tí. Các đàn anh chịu khó viết blog, viết sách, dạy dỗ đàn em một tí. Có công việc gì ok, có cái gì hay ho thì giới thiệu cho nó, quan hệ thầy trò tương thân tương ái, cái đó là cái “nhân“.
  • Các doanh nghiệp đừng ép giá sinh viên nữa, đừng bóc lột mà chịu khó đào tạo nó xíu đi. Đừng ham hốt những nhân sự giỏi, vừa mắc vừa khó chiều. Hãy hốt các em sinh viên mới ra trường, có khả năng học tập rồi dạy dỗ người ta. Có ơn dạy dỗ, sau đó trả lương đúng với năng lực thì chả nhân viên nào muốn nhảy đâu, đó là cái “nghĩa”.
  • Các doanh nghiệp cũng nên có career path rõ ràng cho lập trình viên, cho họ thấy gắn bó với công ty lâu sẽ lên được vị trí gì, chức danh gì, thì họ sẽ gắn bó với công ty chứ chả dạu gì mà nhảy cả.
  • Các đàn em thương và nể trọng đàn anh một tí, hỏi cũng hỏi lịch sự đàng hoàng, ko bố láo. Chịu khó bưng trà rót nước mời đi nhậu, mời mát xa, đó là cái “lễ“.
  • Các bạn IT cũng nên khôn một tí, đừng tin tưởng toàn bộ nhưng lời manager nói, đừng đâm đầu vào những công ty bóc lột kiểu “ai làm việc ngày 6-8 tiếng đừng về công ty tôi”. Cũng đừng im lặng mãi, mà nên hợp lại phản kháng lại bọn lều báo (thông qua facebook, qua blog) khi lều báo chửi ngành, đó là cái “trí“.
  • Các bác lều báo đừng bảo lương IT cao nữa, so với nhu cầu thì lương vẫn chưa đủ cao đâu. Cứ bảo là thấp, để các em sinh viên bớt ham hố nhảy vào ngành này, để các doanh nghiệp còn thương lập trình viên hơn.
  • Có gì nói nấy, đừng dùng ngòi bút để phát ngôn bừa bãi, đừng chê VN nâng bi nước ngoài, đó là cái “tín“.
Anh em dev chúng ta cứ ráng thông nhau mà sướng, nhầm, thương nhau mà sống

Kết

Phù, lâu rồi mình mới biết liền một series dài hơi tận 3 bài như vậy. Sau khi viết xong thì những bức xúc về ngành nghề cũng vơi bớt được đôi chút rồi.

Còn bạn nghĩ sao? Dù có đang đi làm, đang đi học hay vừa ra trường, hẳn bạn cũng có đôi lúc bức xúc với chuyện đi học, chuyện đi làm trong ngành phải không? Hãy cùng xả nỗi bức xúc này trong mục comment nha ;).

Hi vọng các bạn nhớ like, share bài viết này nhiều nhiều, để các bác lều báo, các anh quản lý, các chị HR họ đọc được thì sẽ hiểu ngành mình hơn, thương lập trình viên hơn nhé!

26 thoughts on “Bức xúc chuyện nghề – Phần 3: Anh em developer chúng ta phải làm gì?”

  1. Em mong rằng các nhà tuyển dụng đọc được cái blog này để hiểu rõ vấn đề sinh viên vào thực tập được tầm 1 năm là “chạy trốn”. Mặc dù, em còn đang học nhưng nếu đặt em vào trường hợp là một thực tập sinh, sau khi thực tập em cũng không có ý định để nhảy việc làm gì. Nếu sau khi thực tập xong công ty trả mức lương phù hợp với năng lược của mình thì em sẵn sàng ở lại làm cho công ty đó, chứ không phải đi vô làm sinh viên thực tập để được một vài năm kinh nghiệm ( Có thực sự là có kinh nghiệm ? ) mà “nhảy” qua công ty khác làm để hưởng được cái lương cao hơn. Theo em có sức thì hãy nhảy. 🙂

    Like

      1. Anh Hoàng ơi chừng nào ra 2 cuốn sách đó a nhớ viết bài giới thiệu

        Like

  2. Em là một sinh viên IT, em nghĩ e khá là may mắn. Trường em dạy kiến thức khá nhẹ. Nên em có nhiều thời gian tự học, xong năm nhất em bắt đầu làm ASP.Net MVC (do một thầy giáo định hướng). Em học ASP.Net MVC khá chậm vì khả năng tự học chưa cao. Sau năm 2 thì bắt đầu tìm hiểu các kỹ thuật như Design Pattern, UML, … và định hướng làm SA luôn. nhưng lúc này thì tài liệu TV lại khá hiếm, toàn TA. Mà đọc TA thì cả ngày em mới dịch được 2 đến 3 trang. Nản kinh khủng. Ông anh thương tình, thì dịch một vài chương của mấy quyển như kiểu Clean Code cho em hướng sái chút. :3. Anh cứ dịch thành sách. chắc chắn em sẽ mua :3.

    Like

    1. Định hướng làm SA thì đọc sách tiếng anh đi em ơi.Làm SA và không biết tiếng anh thì nghe chừng hơi…

      Like

    2. Một lời khuyên chân thành cho em là học TA đi em. Clean Code thật sự rất hay, nhưng nó cũng chỉ là kiến thức nhỏ trong biển trời kiến thức của ngành này. Muốn làm SA thì em phải đọc đọc và đọc rất nhiều, mà tài liệu thì ko có TV đâu, nên ko có TA thì trở thành 1 dev tương đối khá còn khó chứ đừng nghĩ sẽ là SA 🙂

      Like

      1. Anh đã lên làm SA ( Software Architecture) chưa, Em đang làm ở Nhật và cũng xác định mục tiêu cho mình trở thành SA. Liệu add Face của anh để giao lưu đuơjc ko?

        Liked by 1 person

  3. Em cũng tự đang quẩy bờ lốc cũng khá hay khi tự viết một phần và một phần đi thảm khảo và biết thêm rất nhiều thứ

    Like

  4. Các vấn đề đều được nêu rất chuẩn, ít nhất từ view của 1 Senior Dev như Hoàng và kinh qua nhiều Cty lớn bé Tây Ta khác nhau.

    Cũng chưa thấy ai lại nặng lòng với ae cùng ngành như H. Việc viết blog để chia sẻ như này là rất hiếm (nhiều người giỏi nhưng họ giữ riêng cho mình).

    Kinh nghiệm vẫn là, ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Nói nhiều, nói mãi, mà vẫn Lười (ít nhất là lười đọc) thì không thể tiến bộ được. Bản thân mình cũng lười VCĐ, nên nhiều thứ trải qua rồi giờ ngẫm lại mới thấy tiếc nuối.

    Liked by 1 person

  5. Ngoài công việc thì bạn còn có cuộc sống riêng. Nếu bạn xem công ty là gia đình số 2 của mình, thì bạn sẽ cố gắn làm việc và sẽ không bị thiệt thòi. Còn việc OT, ăn chữi, cay cú … Thì bạn nên chuyển công ty đi, bạn ko thích bạn sẽ ko bao giờ làm tốt, ko làm tốt thì cơ hội tồn tại và thằng tiếng gần bằng 0. Chia sẽ của một thằng code 3 năm cho công ty lớn tới bé, trong ra ngoài nước kaka

    Like

  6. Anh Hoàng ơi, em cắn cơm cắn thịt lạy anh,
    DESIGN LẠI HỘ EM CÁI GIAO DIỆN, ĐỌC XONG HOA MẮT CỰC.
    mọi lần vào 1 bài nào đó, cứ phải bật developer tools lên, xóa những chỗ đen xì, hoặc đổi nó sang màu trắng =)) chỉnh sửa các kiểu con đà điểu để dễ đọc mà k mỏi mắt @@

    Like

    1. Dễ đọc thế này mà chê à, còn cách khác là copy paste vô IDE để như đọc code luôn cũng được :v (Khỏi xem ảnh)

      Like

  7. em muốn mua cuốn sách Clear Code, các trang online ở Việt nam không có, A có thể cho em biết mua cuốn Clean code ở đâu không

    Liked by 1 person

  8. Anh dịch đầy đủ từ Clean Code tiếng Anh hay anh chỉ tổng hợp những ý hay từ cuốn đó và dịch ạ?

    Like

Leave a comment