Cùng học Cờ Lao – Sự ra đời của Cloud; AWS, Azure, Google Cloud Platform và các dịch vụ của họ

Hôm trước, mình đã chia sẻ về khái niệm Cloud là gì, cũng như một số ưu điểm của Cloud rồi.

Trừ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ Cloud, hoặc các công ty siêu bự ra; đa phần các công ty không tự xây dựng hệ thống Cloud của riêng mình, mà sử dụng dịch vụ Cloud được bên thứ ba cung cấp.

Hiện tại, 3 nhà cung cấp dịch vụ Cloud (Gọi tắt là Cloud Provider) phổ biến nhất là AWS – Amazon Web Service của Amazon, Azure của Microsoft, và GCP – Google Cloud Platform của Google.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ về sự ra đời và thị phần của các dịch vụ này nha!

Sự ra đời của AWS – Kẻ tiên phong của thị trường Cloud

AWS (Amazon Web Service) là nhà cung cấp Cloud đầu tiên trên thị trường, có thị phần lớn nhất, được nhiều người sử dụng nhất.

Vốn mình định viết chi tiết về lý do và quá trình ra đời của AWS, nhưng do bên Genk đã có bạn nào viết hay hơn và đầy đủ, chỉ tiết hơn rồi, nên mình xin ghi nguồn và bê tạm nội dung qua nhé:

Nguồn: Genk (http://genk.vn/diem-yeu-cua-de-che-amazon-trong-cuoc-chien-dam-may-voi-microsoft-ibm-va-oracle-20170624035732734.chn)

Nguồn gốc của AWS nằm ở những vấn đề mà bất cứ một công ty nào cũng có thể gặp phải khi xây dựng hệ thống IT của riêng mình. Khi cơn bão dotcom qua đi và Amazon trở lại với nhịp tăng trưởng khổng lồ, hạ tầng IT của trang bán hàng này ngay lập tức rơi vào tình trạng "hụt hơi". 

Đi kèm với lượng người dùng liên tục bùng nổ là danh mục sản phẩm ngày một rối rắm và các phép tính phức tạp để cải thiện trải nghiệm (thông số so sánh, review, thuật toán gợi ý...). 

Đầu thập niên 2000, Amazon liên tục gặp tình trạng quá tải gây gián đoạn đến doanh thu và hình ảnh trong mắt công chúng.
Vấn đề này buộc Benjamin Black và Chris Pinkham (tác giả của bản dự thảo ý tưởng AWS) phải tìm cách tái cơ cấu hạ tầng IT của Amazon. 

Để có thể mở rộng quy mô kinh doanh và chiều sâu trải nghiệm người dùng cuối, Amazon phải tìm được cách chuyên biệt hóa từng phần của hệ thống thông tin: sức mạnh tính toán phải được tách rời khỏi hệ điều hành và middleware; hệ điều hành và middleware cần phải được tách khỏi các tầng code xử lý nghiệp vụ kinh doanh. 
Mỗi "tầng" của hệ thống cần được chuẩn hóa để những người làm việc trên "tầng" khác có thể chú tâm làm việc một cách dễ dàng.

Khi đã giải được bài toán này, các nhà lãnh đạo của Amazon bỗng dưng sở hữu một tài sản vô cùng quý giá: một lượng data center khổng lồ với các "dịch vụ" lưu trữ, cơ sở dữ liệu, sức mạnh tính toán được cung cấp thông qua các API và các tài liệu chuẩn mực. 

Mở các dịch vụ chuẩn mực này ra bên ngoài là bước tiến hoàn toàn tự nhiên để biến nền tảng của Amazon thành nền móng của Internet.

20 năm sau, AWS đã trở thành một đế chế nhỏ bên trong Amazon với trị giá thị trường lên tới 120 tỷ USD.

Tại sao ba ông bự Amazon, Microsoft, Google tranh giành thị trường Cloud?

Ban đầu, vào năm 2006, chỉ có mỗi Amazon cung cấp dịch vụ Cloud Computing.

Thế nhưng, do nhu cầu ngày càng nhiều, doanh thu của Amazon Web Service – dịch vụ cung cấp Cloud của Amazon phát triển ngày càng vượt bật! Lợi nhuận của mảng này khá là khủng, khiến Cloud trở thành một trong những nguồn doanh thu và lợi nhuận chính của Amazon luôn!

Thấy ngon ăn, không muốn cho Amazon độc chiếm thị trường Microsoft cũng nhảy vào thị trường Cloud, ra mắt Azure vào năm 2010. Microsoft có lợi thế hơn vì có lượng khách hàng doanh nghiệm nhiều, cung cấp các dịch vụ Cloud của Microsoft (Windows, MS SQL) với giá rẻ hơn nên cũng phát triển khá là nhanh.

Google thì chậm chân hơn khá nhiều. Trước đó họ đã có Google App Engine, sau này họ mới mông má thêm nhiều dịch vụ khác, gọi là Google Cloud Platform, ra mắt vào khoảng năm 2011. Trâu chậm uống nước đục nên thị phần của họ là ít nhất!

So sánh sơ bộ về 3 nhà cung cấp dịch vụ Cloud “bự” nhất hiện nay

 

Thật ra, mấy cái mình nói nãy giờ nó chỉ là kiến thức dạng “nên biết” chứ không phải là “cần biết”; dù các bạn không biết thì vẫn có thể sử dụng Cloud như bình thường.

Tuy vậy, biết điều này, các bạn sẽ dễ dàng lựa chọn thứ gì để học hơn. Nếu muốn tập sử dụng Cloud, hãy ưu tiên AWS, sau đó là Azure. Đơn giản là vì những nền tảng ra đời trước sẽ ổn định hơn, có nhiều dịch vụ hơn, nhiều tài liệu và tutorial để học hơn nhé!

Các dịch vụ mà Cloud cung cấp

Mặc dù có đôi chút khác nhau về cách sử dụng, cách quản lý, đa phần các nhà cung cấp Cloud đều cung cấp những dịch vụ tương tự nhau.

Đây là những dịch vụ chúng ta cần dùng để có thể vận hành một ứng dụng web hoàn chỉnh:

  • Virtual Machine (VM): Cung cấp máy ảo như VPS để chúng ta có thể vào đó cài và chạy ứng dụng. (Amazon EC2, Azure VM, Google Compute Engine)
  • Storage: Cung cấp nơi để lưu trữ file tĩnh (ảnh, nhạc, video, text) để ứng dụng hoặc người dùng có thể upload/download về. (Amazon S3, Azure Blog Storage, Google Cloud Storage)
  • Database: Cung cấp database (SQL hoặc NoSQL) có là xài luôn, không cần cài hay update gì (Amazon có DynamoDB, RDS; Azure có Azure SQL Database, CosmosDB; Google có Google Cloud SQL, Google Cloud Datastore)
  • PaaS: Cung cấp nền tảng PaaS để ta deploy ứng dụng từ code lên là chạy luôn (Amazon có Elastic BeanStack, Azure có Azure App Service, Google có App Engine)
  • Serverless: Dịch vụ giúp ta chạy code mà không cần quan tâm đến hạ tầng hay server (Amazon có Lambda, Azure có Azure Function, Google có Google Cloud Function)
  • Các bạn có thể xem lại bài viết về serverless của mình để tìm hiểu thêm về serverless nhé!

Ngoài ra còn khá nhiều dịch vụ nữa, nhưng mình không liệt kê hết nhé, từ từ mình sẽ nhắc đến sau.

aws-service
Các dịch vụ của AWS cung cấp
Các dịch vụ do Azure cung cấp

 

Các bạn thấy đấy, đa phần mỗi dịch vụ ở AWS đều có dịch vụ tương tự bên Azure hay GCP (Google Cloud Platform). Do vậy, chỉ cần hiểu rõ cách dùng dịch vụ của một nhà cung cấp Cloud, bạn có thể dễ dàng switch qua tìm hiểu nhà cung cấp khác.

Mỗi dịch vụ của AWS đều có dịch vụ tương ứng trên Azure và Google Cloud Platform

Tạm kết

Qua bài này, mình đã giới thiệu về sự ra đời của AWS – cloud provider đầu tiên được sử dụng rộng rãi; so sánh sơ về 3 cloud provider phổ biến nhất; cũng như những dịch vụ mà họ cung cấp.

Mình sẽ dành thêm 1 kì nữa để nói rõ hơn về những ưu nhược điểm của Cloud. Sau đó, chúng ta sẽ không nói lý thuyết suông nữa, mà bắt tay vào làm demo ngay để học nha.

P/S: Để theo dõi bài viết trên Tôi Đi Code Dạo, nhớ Subscribe Chat Bot của tụi mình nha. Bot của Code Dạo sẽ gửi bạn những bài viết cực kì hay ho về kĩ năng mềm và cứng, kinh nghiệm trong ngành vào thứ 4 hàng tuần nhé!

Đăng ký bài viết

4 thoughts on “Cùng học Cờ Lao – Sự ra đời của Cloud; AWS, Azure, Google Cloud Platform và các dịch vụ của họ”

  1. Hehe, hóng quá anh ơi. Em cũng đang bấn cái vụ nên dùng hosting hay VPS hay cloud để host mấy cái project. Cloud thì nghe dân tình quảng bá rầm rộ quá ạ, mà giá hơi chát tí 😛 Ko biết đáng đầu tư ko.

    Like

Leave a comment