Bốn sai lầm các bạn sinh viên / lập trình viên hay mắc phải khi mới đi làm

Ngồi ngẫm lại, từ hồi mới đi làm tới giờ đã được vài năm, mình cũng từng mắc khá nhiều sai lầm trong sự nghiệp. Mỗi sai lầm dù to hay nhỏ đều dạy cho mình khá nhiều điều.

Do vậy, trong hôm này, mình sẽ chia về những sai lầm mà các bạn lập trình viên dễ mắc phải. Hi vọng chúng sẽ giúp con đường nghề nghiệp của bạn suôn sẻ và “trơn tru” hơn nhé.

Cắm mặt vào code khi chưa rõ requirement

Đây là sai lầm hay gặp nhất khi các bạn mới ra trường, mới đi làm dự án thật.

Thông thường, chúng ta sẽ được nhận ticket/requirement từ phía PM hoặc Product Owner, sau đó bắt đầu code chức năng/module đó.

Với những công ty outsource, đa phần các chức năng đã được làm rõ, requirement cũng đã được viết cẩn thận, chỉ việc code theo là được.

Tuy nhiên, ở các công ty product/startup, đôi khi ta chỉ có design, requirement chưa rõ ràng, chưa đầy đủ các trường hợp.

Lúc này, nhiều bạn chưa hiểu rõ mà cắm đầu vào code ngay. Hậu quả là sau khi bỏ cả tuần ra để code, nhưng thứ làm ra lại … không đúng yêu cầu của khách hàng, hoặc thiếu những case quan trọng, phải làm lại từ đầu.

Đây là dev khi nhận task, chưa hiểu rõ mà đã cắm đầu vào code ngay

Bản thân mình cũng từng bị 1 lần như vậy. Do sếp đi du lịch 2 tuần, mình chỉ nhận yêu cầu mà không confirm lại, sau đó tự code. Đến lúc sếp về, demo cho sếp xem mới biết là … mình làm sai hoàn toàn, phải đập đi làm lại tận 69.96%.

Do vậy, bài học rút ra là: Nếu đọc requirement có chỗ nào chưa hiểu, chưa rõ thì hãy thảo luận thật kĩ với BA hoặc Product Manager trước nhé. Đừng tự … đoán mò nhiều quá, đoán đúng thì không sao, đoán sai ý khách hàng/PM là sửa hơi bị phê đấy!

Code … thả chó (cẩu thả), bất kề hậu quả

Sai lầm này không chỉ gặp ở các bạn mới đi làm, mà lâu lâu một số anh lão làng cũng bị. Lý do khách quan có thể do dự án dí sát đít, yêu cầu đổi liên tục. Lý do chủ quan có thể là do … lười, do thiếu cẩn thận hoặc trình độ chưa đủ.

Thói xấu này để lại nhiều hậu quả khá là tai hại:

  • Code cẩu thả, nhiều lỗi sẽ làm chương trình bị nhiều lỗi, ảnh hưởng tới khách hàng/người dùng.
  • Đồng nghiệp nhìn code cẩu thả sẽ đánh giá thấp trình độ, khả năng của chính người code
  • Code cẩu thả sẽ rất khó bảo trì, mở rộng, để lại nhiều technical debt trong dự án, về lâu dài sẽ rất nguy hại

Túm cái váy lại, code cẩu thả sẽ sướng cái tay bạn, nhưng sẽ làm khách hàng bực, đồng nghiệp chửu, cấp trên ghét, hệ thống te tua… Một khi đã bị đồng nghiệp/cấp trên đánh giá thấp về khả năng kĩ thuật là coi như bạn … khỏi có cơ hội thăng tiến gì luôn.

Code thả chó nhiều WTF khác là xem như hỏng nhé!

Do vậy, nhớ code cẩn thận, code có tâm, vừa code vừa tìm cách nâng cao trình độ bản thân mình nhé!

Chê bai hoặc coi thường dự án hiện tại, coi thường team

Sai lầm này thường gặp ở những bạn code giỏi (hoặc tưởng mình giỏi), hoặc tốt nghiệp trường ngon, có tiếng.

Bản thân mình mới ra trường cũng gặp trình trạng này. Vào công ty mới, mình luôn than thầm: dự án gì dùng công nghệ cũ chán òm, hoặc mấy ông developer khác gà vãi, chẳng học hỏi được gì.

Thật ra, dự án nào cũng có cái hay riêng của nó! Công nghệ có thể không mới, nhưng các bạn có thể học được qui trình làm việc, học được business của dự án đó.

Các ông developer trong team có thể không có giải thưởng ACM này nọ, có thể không bá đạo về thuật toán, nhưng họ biết cách code để gặp ít lỗi, biết cách thương lượng, giao tiếp với PM/BA.

Đấy, quan trọng là bạn có chịu nhìn ra cái hay, cái tốt để học hay không thôi. Chưa kể, nếu bạn lúc nào cũng tỏ ra khinh thường team, khinh thường người khác, trước sau gì bạn cũng bị khinh thường lại, bị ghét lại thôi.

Lâu lâu đừng quá … ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân nha!

Nhớ nhé, nếu thật sự bạn giỏi hơn người khác, thay vì suốt ngày khinh thường chê bai, sao không thử giới thiệu công nghệ mới cho team, hoặc nâng cao trình độ của những bạn cùng team xem sao nhé.

Không biết tính chuyện tương lai (chỉ biết nhìn lương)

Sai lầm này không gây ra hậu quả gì to lớn trước mắt, nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, đến tương lai của bạn.

Với những bạn mới ra trường, mình thường khuyên các bạn đừng quá chú trọng vào mức lương (6 triệu hay 8 triệu cũng không chênh lệch gì mấy); mà hãy nhìn vào môi trường làm việc.

Thay vì quan tâm vài triệu chênh lệch, hãy nghĩ xem mình sẽ học được những gì ở công ty đó. Sau 1-2 năm nữa mình có giỏi hơn hay không, có lên vị trí cao hơn hay không? Công ty/ cấp trên có xứng đáng để mình gắn bó lâu dài hay không?

Nếu chỉ lo nhìn vào mức lương, không quan tâm đến tương lại, bạn sẽ dễ … dậm chân tại chỗ.

Đừng vì vài triệu trước mắt, mà hãy nghĩ tới… vài chục triệu mình kiếm được sau 2-3 năm nữa nhé.

Nói đâu xa, lương chạy Grab (10-15 triệu/tháng) còn cao hơn sinh viên IT mới ra trường nhiều. Tuy vậy, nếu bạn chạy Grab 3-4 năm, liệu bạn lương có bằng mấy ông senior dev lương 3-4 năm kinh nghiệm không??

Nhớ nhé, đừng vì vài triệu trước mắt, mà hãy nghĩ tới… vài chục triệu mình kiếm được sau 2-3 năm nữa nhé!

Tạm kết

Trong bài này, mình đã chia sẻ về những sai lầm mà các bạn sinh viên/lập trình viên mới ra trường hay mắc phải.

Bản thân mình cũng từng mắc phải không ít, nên nếu các bạn có … lỡ dính tí chút thì cũng không có gì đâu. Quan trọng là biết sửa sai, biết cải thiện là được.

Còn bạn thì sao, bạn đã từng mắc phải những sai lầm gì chưa, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết trong mục comment nhé!.

 

Bonus: Bạn nào muốn xem vlog với khuôn mặt đẹp trai của mình thì xem clip dưới nhé. Nhớ ghé bit.ly/codedaotube để subscribe cho mình nữa nha.

6 thoughts on “Bốn sai lầm các bạn sinh viên / lập trình viên hay mắc phải khi mới đi làm”

  1. Chào Hoàng,
    Mình 27 tuổi, không có bằng chuyên ngành IT, nếu mình tự học front-end trên freecodecamp, làm hết các project ở đó rồi lấy chứng chỉ của freecodecamp thì đã đủ kiến thức để đi xin việc fresher hoặc junior front-end ở các công ty VN chưa? Có cần thiết phải xin thực tập trước không? Nếu chưa thì cần bổ sung thêm những kiến thức gì? Mình định học front-end trước rồi sẽ tự học chuyển dần sang fullstack sau này.
    Cảm ơn Hoàng trước.

    Like

  2. “When i test my code i do it in production” – câu này tưởng nói đùa vậy mà ngoài đời không thiếu người phải trả giá cao lắm để học được bài học này. Sau khi giao hàng(code release), cái pha ngồi “chực” xem đồ mình sản xuất chạy tốt hay rởm. Anh siêng năng có khi biết được sản phẩm chạy hư trước khi khách hàng nó la ó um xùm. Rollback plan là đẽ thử nghiệm nếu hư quá nặng, lùi lại ra sao, cũng hay lắm đấy.

    Like

Leave a comment