Thói quen đi xin tài liệu, tải và lưu trữ tài liệu lập trình đôi khi có hại hơn bạn tưởng!

Trong bài này, mình nói về một thói quen không tốt mà nhiều bạn sinh viên và lập trình viên hay mắc phải. Thói quen này thoạt thì khá là hữu ích, nhưng thật ra lại có hại nhiều hơn bạn tưởng!

Đó chính là thói quen: Đi xin tài liệu, tải và lưu trữ quá nhiều tài liệu lập trình. Ngạc nhiên chưa?

Ủa, lưu trữ tài liệu lập trình thì có gì là xấu?

Rất nhiều bạn sinh viên mình tiếp xúc có thói quen này: Mỗi khi thấy có người share là lập tức tải về một đống tài liệu lập trình đủ mọi thể loại về máy. Tải xong rồi làm gì, tất nhiên là … để không cho nặng máy rồi.

Tài liệu lập trình nhan nhản trên mang

Ủa, vậy thì cũng có gì là xấu đâu? Tại sao chúng ta không nên làm vậy?

1. Vì nó vô dụng

Nhiều bạn thường hay khoe khoang là mình có đến vài GB hoặc vài chục GB tài liệu ABC thuộc nhiều ngôn ngữ nhiều thể loại này nọ. Tuy nhiên, mình chắc chắn là họ chưa bao giờ đọc được 5-10%  đống tài liệu mà họ có.

Sách vở và tài liệu không phải là tiền. Bạn càng trữ nhiều tiền, bạn càng giàu có. Ngược lại, bạn có trữ nhiều sách và tài liệu đến mấy mà không bao giờ đọc thì kiến thức của bạn cũng chẳng giàu hơn được tí nào đâu.

À, sẵn tiện chia sẻ luôn là mình có trữ mười mấy GB tài liệu tiếng Nhật của thầy Tokuda và mình đã chịu khó đọc gần hết rồi nhé :”>

2. Vì nó khiến bạn chủ quan và ảo tưởng sức mạnh

Một tác hại khác của việc trữ nhiều tài liệu là chúng tạo cho bạn cảm giác chủ quan. Khi lưu tài liệu về trữ trong máy, bạn ảo tưởng sức mạnh là mình đang học, đang tiến bộ nhưng thực chất bạn chả làm gì hết.

Cũng giống như mấy người mua sách sách self-help, sách làm giàu vậy. Đọc chúng giúp cho bạn có cảm giác mình tốt hơn, mình giàu hơn trong khi thật sự méo có gì thay đổi hết!

Chưa kể, lưu trữ quá nhiều tài liệu linh tinh về ngôn ngữ, về framework sẽ làm bạn không có thời gian để đọc những quyển sách thật sự hay trong ngành lập trình như: Clean Code, Code Complete, Refactoring, The Art of Readable Code.

Chả bao giờ thấy cộng đồng nào share cuốn này, toàn mấy sách dạy lập trình linh tinh

3. Vì nó tạo cho bạn tính chây lười

Có một sự thật mà ít người biết là: Bạn càng trữ nhiều tài liệu, bạn càng ít đọc chúng!

Ủa, tại sao kì vậy? Đơn thuần là khi bạn muốn bắt đầu đọc hay học một cái gì đấy, nhìn vào đống tài liệu vài trăm MB với cả chục cuốn sách, bạn sẽ dễ cảm thấy ngộp và thấy nản vì không biết bắt đầu từ đâu, không biết học bao giờ mới hết.

Kết quả sẽ là hội chứng: Lưu nhìều tài liệu nhưng méo bao giờ đọc. Dần dần bạn sẽ trở nên lười học và lười đọc. (Mình biết điều này vì hồi xưa mình cũng từng như vậy, và bây giờ cũng như vậy nốt.)

Đây là đống tài liệu mình đang cho nằm… phủi bụi trong máy vì chưa có thời gian đọc

4. Tài liệu lập trình để lâu sẽ lỗi thời

Trừ một số tài liệu về thuật toán, cấu trúc dữ liệu ít thay đổi, các tài luệu khác rất nhanh lỗi thời, để chỉ tổ tốn dung lượng.

Ví dụ như C# giờ đã ra bản 7.0, Angular ra bản 5, WebForm thì đã bị khai tử. Do đó, mấy tài liệu về C# 2.0 hoặc Angular 1.x, tài liệu WebForm có trên mạng giờ đã lỗi thời hết cả.

Hoặc đơn cử như React giờ đã ra bản 16.2, series hướng dẫn React của thằng bạn Codeaholicguy của mình (vừa viết cách đây 1 năm) giờ cũng lỗi thời nốt.

Vậy giờ mình phải làm sao?

Thay cho thói quen tải và lưu trữ quá nhiều tài liệu, các bạn hãy tập cho mình những thói quen tốt sau đây:

1. Lưu trữ có chọn lọc, ít nhưng mà chất

Trong việc học và tìm tài liệu, chất lượng quan trọng hơn số lượng nhiều.

Thói quen của mình là chọn lọc. Thời ôn thi IELTS, thằng bạn quăng mình đống tài liệu IELTS 4GB, mình chỉ lọc và lấy 5,6 cuốn.

Hãy đọc sách ít nhưng đọc từng cuốn, học có mục tiêu. Nhìn số lượng ít sẽ làm bạn bớt ngộp, có động lực học hơn.

Ví dụ, bạn là sinh viên Đại Học hoặc mới ra trường, bạn chỉ cần đọc một cuốn Code Dạo Kí Sự giá 160k. Kiến thức trong sách không nhiều, nhưng cô đọng đáng quí gấp nhiều lần những cuốn sách dạy nhập môn lập trình nhan nhan ngoài thị trường.

Mua đọc thử đi, bạn sẽ không hối hận đâu hihi

2. Tự tìm, tìm và đọc ngay chứ đừng trữ

Thay vì đi xin tài liệu, bạn hãy tự tập cho mình thói quen tự tìm tài liệu để học. Kĩ năng tự tìm kiếm là một kĩ năng quan trọng khi đi học và đi làm.

Cách mình tìm kiếm thường là Google và Amazon. Mình Google “tên công nghệ muốn học” + books, sau đó lên Amazon xem cuốn nào có review cao rồi hốt về đọc dần thôi.

Ngoài ra, khi mình muốn học gì, mình lên Pluralsight xem và học ngay luôn, không có tải về ngâm. Sách cũng vậy, cuốn nào không học thì không tải, đã tải về là đọc dần dần, càng để lâu bạn sẽ càng ỳ ra đấy.

3. Tài liệu cũng chỉ là… tài liệu

Tất nhiên, tài liệu thì cũng chỉ là tài liệu thôi. Dù bạn có đọc hết tài liệu, xem hết cả chục video, cũng chỉ làm bạn biết nhiều hơn chứ chưa chắc đã giỏi hơn.

Trong ngành của mình, cách học tốt nhất chính là làm. Do đó, đừng bỏ quá nhiều thời gian để đọc hết sách này sách nọ. Hãy đọc sơ để nắm kiến thức cơ bản, sau đó bắt tay vào làm một dự án nho nhỏ là được thôi.

Về chuyện làm sao lựa chọn dự án để làm, các bạn xem lại bài viết về pet project nhé.

Như mình làm một cái ứng dụng nho nhỏ “Học English với gái xinh” cũng được nhiều lượt tải quá trời này

Kết

Chung qui lại, việc chia sẻ hay lưu trữ tài liệu không có gì là sai. Quan trọng là chúng ta làm gì với đống tài liệu đó.

Vậy việc bạn cần làm ngay bây giờ là gì? Hãy làm theo 4 bước sau của Tôi Đi Code Dạo:

  1. Lục và tìm đống tài liệu mình đang trữ trong máy
  2. Những thứ gì trông có vẻ dài dòng, cũ kỹ, chiếm nhiều dung lượng thì xoá hết đi cho nhẹ máy
  3. Những thứ gì hay, ngắn gọn thì bỏ lên Desktop hoặc cho vào iPad để đọc
  4. Xem các tài liệu trong iPad, trên laptop dần những khi rảnh

Mình đã thực hiện và thành công, các bạn cứ làm theo thử xem có hiệu quả hay không nha!

Còn các bạn thì sao? Các bạn nghĩ gì về thói quen xin và lưu trữ tài liệu? Bản thân các bạn có trữ nhiều tài liệu lập trình không? Hãy chia sẻ trong mục comment nhé.

6 thoughts on “Thói quen đi xin tài liệu, tải và lưu trữ tài liệu lập trình đôi khi có hại hơn bạn tưởng!”

  1. Lưu tài liệu nhiều quá giờ em bị nghiền kiếm tài liệu để lưu về kho luôn. Dù biết 90% tài liệu lưu về cũng chẳng đụng tới. =))

    Liked by 1 person

  2. Có một cách đọc sách rất hay là lên kế hoạch đọc trên Goodreads. Chia ra làm 3 mục:
    – Đang đọc
    – Đã đọc
    – Muốn đọc
    Những sách nào đang đọc thì hãy tải, còn không xóa hết đi. Ổ cứng để chỗ lưu tài liệu học tập của Japan là đủ rồi.

    Liked by 2 people

  3. bài viết quá đúng, mình cũng mắc bệnh lưu tài liệu, nghiền tìm kiếm tài liệu mà chẳng bao giờ đọc.
    sẽ cố gắng từ bò thói quen đó dù biết sẽ rất khó.

    Like

  4. Quá đúng với em luôn ạ! Lời khuyên của anh Hoàng rất hay, e sẽ áp dụng liền!

    Like

Leave a comment