Làm nghề nào trong ngành IT mà không cần code?

Đôi khi, có nhiều bạn “lỡ” theo học ngành IT, ngành lập trình (do bố mẹ bắt buộc, do báo đài bơm thổi), xong lại nhận ra mình … không thích code, không phù hợp với ngành này.

Do vậy, các bạn nhờ mình tư vấn không thích code thì có theo ngành được được không, có cách nào theo ngành mà không phải code nhiều không?

Câu trả lời đương nhiên là … CÓ. Thật ra, ngành IT nói chung rất rộng, để tạo ra 1 phần mềm tốt không phải chỉ cần ông developer ngồi code, mà còn rất nhiều vị trí liên quan khác nữa.

Do vậy, trong bài viết này mình sẽ tư vấn cho các bạn những vị trí, ngành nghề không code trong ngành IT (với mức lương không hề thua kém) nhé!

Tester/QA (Quality Assurance)

Nếu developer là người tạo ra phần mềm thì tester là những người… cố gắng moi móc, tìm ra lỗi trong phần mềm đó, giúp khách hàng có 1 sản phẩm ít lỗi (Xem thêm trong bài Tại sao developer cần biết về testing).

Công việc của tester là viết test case (đầu vào, đầu ra), chạy các test case này để kiểm tra xem hệ thống có hoạt động đúng hay không. Lượng công việc của QA nhiều khi cũng không thua kém gì developer.

Công việc này cần sự tỉ mẩn, chu đáo. Do vậy, có khá nhiều bạn nữ theo ngành, không muốn ngồi code lâu cũng chuyển sang làm tester. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn đi theo hướng automation testing cũng phải biết code chút chút về automation để code ra test case nhé.

Tester và Dev luôn có mối quan hê “tương thân tương ái”

Các vị trí từ Manager trở lên

Sau khi đi làm tầm 5-7 năm, nếu lên tới các vị trí Manager (Engineer Manager, Project Manager v…v), các bạn sẽ … không cần code nữa. 

Làm Manager/CTO, bạn sẽ tốn phần lớn thời gian để họp hành, lên plan, phân chia công việc, đánh giá performance, xử lý các vấn đề con người nhiều hơn (Như thằng codeaholicguy bạn mình giờ còn không có thời gian code).

Những vấn đề này cần kĩ năng mềm, cần sự tráo trở lượn lẹo, nhầm… sự tinh tế trong cách đối nhân xử thế; lâu lâu còn khó xử lý hơn vấn đề kĩ thuật lúc code đấy nhé.

Lên Manager nhiều khi quên code luôn đấy nhé các bạn

Tuy nhiên, nếu làm việc ở các công ty nhỏ, hoặc team nhỏ (tầm 3-5 người) thì Manager, Software Architect lẫn CTO đều vẫn phải code ầm ầm cả =))

BA (Business Analyst) hoặc PO/PM (Product Owner/Manager)

Ở những công ty outsource, làm việc với khách hàng ngoài, vị trí BA là những người giao tiếp với khách hàng, tìm hiểu và phân tích nghiệp vụ, từ đó để viết document, requirements cho team dev build hệ thống.

Ở những công ty làm Product, người Product Owner/Manager sẽ đi nghiên cứu người dùng, nghiên cứu đối thủ, làm việc với Sales/Marketing để định hướng sản phẩm, xác định những chức năng cần có để đem lại giá trị cho người dùng. Sau đó họ sẽ làm việc với UX/UI designer để vẽ wireframe, làm requirements cho team dev hiện thực các chức năng này.

Các vị trí này không trực tiếp đụng vào code, nhưng vẫn cần khả năng kĩ thuật, hiểu hệ thống; để có thể đánh giá được các chức năng nào có thể làm được, mất thời gian bao lâu.

Nhiều công ty họ cũng lẫn lộn các vị trí PO/PM nên gì cũng phải ôm nha!

Có thể nói, họ là những người trực tiếp quyết định sự thành công của 1 dự án/ 1 sản phẩm. Code có giỏi tới đâu, ít bug thế nào, mà … không giải quyết được nhu cầu khách hàng, không kiếm được người dùng thì cũng… vứt.

Các bạn nào quan tâm về ngành BA có thể qua blog ThinhNotes xem nhé!

UI/UX Designer – UX Researcher

Trong ngành IT, designer không phải là những người design cái logo, design cái poster, mà họ là những người design ra luồng chạy, ra giao diện của hệ thống (Với sự góp sức của PM và developer).

Những vị trí liên quan bao gồm:

  • UX Researcher: Họ nghiên cứu người dùng là những đối tượng nào; nghiên cứu nhu cầu của người dùng là gì (thông qua phỏng vấn/survey); xem người dùng cần những chức năng gì. Họ cũng sẽ test UX trên người dùng để xem UX đó có phù hợp hay không, có dễ dùng không
  • UX Designer: Họ sẽ thiết kế ra luồng của ứng dụng, gồm những màn hình nào, người dùng sẽ tiếp cận ứng dụng ra sao.
  • UI Designer:Họ sẽ thiết kế ra giao diện (UI) hoàn chỉnh, thiết kế layout, chọn màu sắc phù hợp, font chữ, có những component nào v…v. Thường thì các công ti họ tuyển UX Designer kiêm luôn UI Designer chứ ít khi tách riêng cả 2.

Đa phần các bạn theo mảng UI/UX Design là những bạn học thiết kế, mĩ thuật v…v. Ứng dụng trông có đẹp mắt hay không, có dễ sử dụng hay không, đều là nhờ design của mấy bác này cả!

Công việc của UI/UX Designer có khá nhiều điểm chung nên các công ty thường kiếm người làm được cả 2

Tạm kết

Đấy, nếu các bạn lỡ “trót dại” theo ngành này nhưng không muốn code thì cũng đừng lo. Có quá trời vị trí trong ngành công nghệ phần mềm mà không cần phải code nhé!

Ngoài ra còn có 1 số ngành khác như IT HelpDesk, IT Support, Sysadmin/Networking, BrSE (BrSE lâu lâu vẫn phải code)… nhưng do mình không quen biết nhiều, số lượng tuyển cũng không nhiều nên mình không đề cập tới trong bài ha.

 

Bonus: Nếu ngại đọc, các bạn có thể xem vi lốc để thấy khuôn mặt đẹp try của mình nha :3

2 thoughts on “Làm nghề nào trong ngành IT mà không cần code?”

  1. Tớ cũng hay nhấn âm chữ sau khi phát âm chữ product nhưng khi được 1 ẻm tóc vàng bẩu đọc thành pró-đậc (t – ‘thờ” nhẹ 1 cái nữa) thì nhớ suốt đời. App tự điển nó phát âm khác biệt hẳn hòi giữa chữ pró-duct và pro-dúc-tion. Tiếng Việt là ngôn ngữ độc âm nên nó hạn chế khả năng phát âm của chúng ta khi ra sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có nhiều ông tiến sĩ Mẽo nó mướn vì các vị là thiên tài về phạm vi chuyên môn nhưng giả tỉ tớ còn thuở sinh viên, ngồi nghe lecture chắc là 1 cực hình. Giả tỉ như chúng ta phải lấy lớp sinh vật hay vật lý do 1 người thầy người Campuchia hay TQ dạy bằng tiếng Việt 2 buổi/tuần suốt 4,5 tháng, chúng ta nghe ê cả tai luôn í.

    Like

Leave a comment