5 thái độ cần có của một developer thành công

Khi đã đi làm một thời gian, các bạn sẽ nhận ra nhận ra một điều là, đôi khi thái độ còn quan trọng hơn trình độ.

Công việc chính của lập trình viên là viết code, giải quyết vấn đề, tạo ra sản phẩm. Lẽ dĩ nhiên, trình độ code cao sẽ giúp bạn làm việc có năng suất hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn.

Tuy vậy, để thành công và phát triển trong ngành này, bạn cũng phải có thái độ đúng đắn. Thái độ là cách bạn nhìn nhận công việc, cuộc sống, cách bạn hành xử khi gặp những vấn đề trong công việc.

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ một số thái độ mà lập trình viên nên có để thành công trong ngành nhé!

1. Không sợ mắc lỗi

Tin mình đi, trong quá trình đi làm bạn sẽ phạm đủ lỗi lầm từ lớn đến nhỏ, không chỉ một lần mà còn rất nhiều lần.

Có thể kể ra một số “thiệt hại” mình đã gây ra từ hồi đi làm đến giờ:

  • Hồi còn làm ở FPT Software, mình từng commit code khi test chưa đầy đủ, lúc khách hàng chạy thử chương trình và thấy lỗi, lục lịch sử commit ra đúng code của mình
  • Hồi làm ở Lancaster, do háu táu chưa rõ requirement, mình từng mất nguyên 1 tuần để code ra 1 chức năng … hoàn toàn sai ý của Product Manager.
  • Gần đây nhất, mình có sửa 1 dòng trong code lúc deploy hệ thống. Dòng code sai này… xóa sạch toàn bộ server (Azure App Service và Database) trong môi trường Staging, mình và CTO phải mất 2 hôm mới khôi phục lại được.

(Còn nhiều lắm, bạn nào tò mò có thể xem lại series Bóc Phốt Code Dạo nhé)

Không chỉ những bạn mới đi làm, chưa biết nhiều mới dễ dàng mắc lỗi; cả những senior nhiều năm kinh nghiệm cũng vậy.

Hẳn các bạn cũng biết Gitlab từng mất dữ liệu vì mấy bạn engineer … xóa nhầm, Amazon AWS cũng từng sập mất vài tiếng vì mấy bạn engineer chạy nhầm command.

Amazon cũng có lúc … sập nhẹ so sai lầm của engineer

Do vậy, đừng lo sợ chuyện mắc lỗi. Hãy trân trọng những lỗi lầm mình mắc phải, vì chúng sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm, học cách cẩn thận hơn để phòng tránh chúng trong tương lại.

À quên, nếu bạn phạm lỗi một lần, đó không phải lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn cứ lặp đi lặp lại lỗi đó nhiều lần thì nhớ xem lại nhé, coi chừng bị đuổi đấy!

2. Khiêm tốn, đừng quá tự tin

Như mình đã nói  ở trên, lỗi lầm trong ngành lập trình là không thể tránh khỏi. Do vậy, các bạn có thể tự tin vào trình độ của mình, nhưng đừng nên quá tự tin vào những việc mình làm, những dòng code mình viết ra.

Để tránh tình trạng quá tự tin vào bản thân, giảm lỗi khi viết code, giới developer đã nghĩ ra rất nhiều trò hay ho như:

  • Pair programming, 2 người cùng code, cùng giải quyết vấn đề để giảm lỗi
  • Bắt buộc code viết ra phải đi kèm unit test để chứng minh code chạy đúng
  • Code viết xong, trước khi merge phải được review bởi 1 hoặc 2 developer khác.
Pair Programming để tránh lỗi

Hãy luôn nghĩ rằng mình sai, mình có thể mắc lỗi. Mỗi khi thảo luận và đưa ra giải pháp, mình luôn hỏi là cách nào có vấn đề nào không ?Giữ thái độ khiêm tốn, bạn sẽ tránh được những sai lầm không đáng có .

3. Biết rằng con người quan trọng hơn  công nghệ

Như mình đã nói trong bài Thật ra code không quan trọng như bạn nghĩ đâu!, công nghệ chỉ chiếm một phần nhỏ trong thành công của một dự án (Trừ những dự án nặng công nghệ như Google, startup về AI, machine learning).

Bạn có thể lựa chọn công nghệ hiện đại nhất, tiên tiến nhất, nhưng nếu team không đoàn kết, không có qui trình làm việc rõ ràng thì cũng không làm được gì.

Yếu tố con người nhiều khi còn quan trọng hơn công nghệ

Hoặc team bạn có thể build ra một sản phẩm hết ý, nhưng team leader không thuyết phục được khách hàng sử dụng, hoặc team sales không bán được cho ai, sản phẩm hết ý đó cũng sẽ vứt xó.

Trải nghiệm qua nhiều dự án, các bạn sẽ nhận ra rằng thành công của một dự án/sản phẩm phụ thuộc nhiều hơn vảo yếu tố con người.

4. Nhận trách nhiệm, không đùn đẩy hay đổ lỗi

Là một developer tốt, nếu hệ thống của mình có vấn đề, các bạn nên … nhận trách nhiệm trước và tìm cách fix thay vì đùn đẩy hay đổ lỗi. Việc này sẽ giúp sếp đánh giá cao, đồng nghiệp tôn trọng bạn hơn.

Hồi còn ở FSoft, lúc mình lỡ commit code có bug do không test kĩ, BA bên Mĩ cố gắng tìm cho ra thủ phạm. Sau đó, mình và PM phải ngồi gọi điện qua bên đấy để giải trình và … nghe càm ràm.

Ở đây, thật ra lỗi không hẳn là của team mình, do chức năng vẫn còn đang develop, tester chưa test, khách hàng… phởn quá nên pull code về rồi build, chạy thử nên mới thấy lỗi. Thế nhưng, BA cứ đổ lỗi cho “thằng junior” mới vào code gây lỗi để làm vừa lòng khách hàng.

Hãy nhận trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi

Ở công ty hiện tại của mình thì khác! Khi có lỗi, cả team sẽ nháo nhào lên … tìm cách fix trước. Đôi khi biết thủ phạm gây lỗi, đôi khi… không biết; nhưng team mình không bao giờ chỉ trích hay càm ràm, trách cứ gì người gây ra!

Thay vào đó, sau khi tìm ra nguyên nhân, sửa được lỗi, tụi mình bắt đầu tìm hiểu tại sao lỗi đó lại xảy ra, sau đó tìm cách khắc phục, đặt ra qui trình để hạn chế lỗi này trong tương lai.

5. Tò mò, thích tìm hiểu sâu vấn đề, ko tin chém gió

Thái độ cuối cùng mà một developer nên có đó là … tính tò mò.

Tính tò mò sẽ thôi thúc các bạn tìm hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề, thôi thúc bạn tìm hiểu rộng về những công nghệ khác. Những điều này sẽ làm gia tăng kiến thức, nâng cao trình độ lập trình của bạn.

Kết

Mình đã chia sẻ về 5 thái độ mà lập trình viên nên có để thành công. Nếu muốn đọc thêm những chia sẻ của các lập trình viên khác, các bạn có thể xem tiếp bài viết Những mánh khóe “không bao giờ tiết lộ” của các lập trình viên vĩ đại nhé.

 

P/S: Để theo dõi bài viết trên Tôi Đi Code Dạo, nhớ Subscribe Chat Bot của tụi mình nha. Bot của Code Dạo sẽ gửi bạn những bài viết cực kì hay ho về kĩ năng mềm và cứng, kinh nghiệm trong ngành vào thứ 4 hàng tuần nhé!

Đăng ký bài viết

P/S 2: Vlog tóm tắt cho những bạn thích ngắm khung mặt đập trai của mình

3 thoughts on “5 thái độ cần có của một developer thành công”

  1. Không sợ mắc lỗi mà như vụ Cốc Cốc “phạt” ông kỹ sư mấy chục triệu thì cũng khó anh 😀

    Sắp tới đi làm em cũng hơi lo vụ lỡ sai cty “phạt” =.=

    Like

  2. Quan trọng là thái độ , mình không giỏi nhưng khiêm tốn , tự mày mò thì được nhiều người giúp đỡ hơn, ít bị chỉ trích hơn khi có lỗi… Có khi được chỉ bí kíp rút ngắn thời gian tìm kiếm, đưa thêm việc làm, phụ fix bugs …

    Like

  3. Sắp vào nghề nhưng e đã cảm thấy khá sợ hãi rồi, mong có thể xây dựng được thái độ như anh nói. ^^

    Like

Leave a comment